Doanh nghiệp cần gì cho chuyển đổi số thành công?
Doanh nghiệp, tổ chức khi tiến hành chuyển đổi số cần tập trung ưu tiên những khâu then chốt để tạo doanh thu, nguồn lực và hiệu ứng lan tỏa cho các bước tiếp theo.
Bước vào năm 2021, Việt Nam khởi động thời kỳ phát triển kinh tế mới với những thành tựu đáng kể trong công tác phòng ngừa, từng bước đẩy lùi đại dịch Covid-19, duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo ổn định vĩ mô, và cũng nhờ những bước tiến vượt bậc của công cuộc chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo.
Nói về tác động của đại dịch Covid-19 tới chuyển đổi số, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược cạnh tranh và thương hiệu (BCSI) nhận định, “đại dịch Covid-19 còn tích cực hơn nghị quyết của Đảng” khi đặt ra tình thế sống còn, bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện những bước thay đổi để thích nghi nếu không muốn rời bỏ thị trường.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược cạnh tranh và thương hiệu.
Điều tích cực ấy được thể hiện qua những con số. Khảo sát của Tổng cục Thống kê vào tháng 9 vừa qua cho thấy, có hơn 30% doanh nghiệp cho biết đã có đầu tư vào công nghệ để chuyển đổi cách thức vận hành, chuyển đổi quy trình sản xuất, kinh doanh. Đây là một bước tiến tương đối rõ rệt, bởi theo ông Thành, chỉ khoảng 3 năm trước, hầu hết cộng đồng doanh nghiệp đểu tỏ ra ái ngại và kém tự tin khi nhắc tới chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.
Thực tế, không chỉ Covid-19 mới đặt ra yêu cầu sống còn cho việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, mà chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo đã thực sự trở thành năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Mặt khác, chuyển đổi số cũng là “cơ hội vô giá cuối cùng” để Việt Nam bắt kịp với xu thế phát triển của toàn nhân loại, sau khi đã đứng ngoài cả 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước đó, dẫn tới một thời gian dài tụt hậu về nhiều mặt, theo GS. Hồ Tú Bảo, Viện Nghiên cứu cao cấp về toán (VIASM)
“Chuyển đổi số là chuyển đổi hoạt động của chính quyền, của nền kinh tế sang môi trường số. Khi môi trường thay đổi, chúng ta phải tự thích nghi, từ đó nhìn ra cơ hội để tiến lên phía trước”, chuyên gia toán học và công nghệ nhận định.
Doanh nghiệp công nghệ số
Để tận dụng thời cơ của cách mạng công nghiệp 4.0, ông Bảo nhấn mạnh, doanh nghiệp cần phải thực hiện những bước chuyển mình để thực sự trở thành doanh nghiệp công nghệ số, thay vì chỉ ứng dụng một số công cụ số hóa vào quy trình hoạt động.
Để làm được điều này, theo chuyên gia VIASM, 2 yếu tố quan trọng là tư duy, ý chí của người lãnh đạo và văn hóa số của doanh nghiệp. Trong đó, lãnh đạo là người đưa ra quyết định chuyển đổi số, có đầy đủ những tố chất cần thiết như tầm nhìn, chiến lược, trình độ kỹ thuật số và cả khả năng chấp nhận rủi ro. Văn hóa số phải được thấm nhuần trong đội ngũ, bắt đầu từ việc sẵn sàng tiếp nhận cái mới để thay đổi.
Một trong những vấn đề được nhiều doanh nghiệp, tổ chức quan tâm là công tác chuyển đổi số có yêu cầu quá cao về chi phí, nguồn lực, khiến các doanh nghiệp, tổ chức quy mô nhỏ khó lòng đáp ứng.
GS. Hồ Tú Bảo, Viện Nghiên cứu cao cấp về toán.
Giải đáp về vấn đề này, ông Thành nhận xét, chuyển đổi số yêu cầu nguồn lực rất lớn, cả về vật chất lẫn con người, khiến cho không chỉ doanh nghiệp vừa và nhỏ mà cả doanh nghiệp lớn đều gặp khó khăn khi triển khai. Tuy nhiên, ông Thành khẳng định, nói chuyển đổi số cần rất nhiều tiền là suy nghĩ không hoàn toàn đúng.
Cụ thể, theo quan sát của các chuyên gia, nhiều doanh nghiệp đã thành công thực hiện thành công chuyển đổi số thông qua chiến lược “bóc ngắn cắn dài”, tức là ưu tiên tập trung vào những việc nhỏ, thiết thực, tạo ra hiệu ứng lan tỏa tốt để tạo bước đà thuận lợi cũng như nguồn lực triển khai cho những công đoạn tiếp theo.
“Nhiều doanh nghiệp đầu tư bước đầu vào sản phẩm để tạo ra doanh thu, sau đó tiếp tục tái đầu tư vào chuyển đổi số”, ông Thành cho biết.
Đồng quan điểm với viện trưởng BCSI, ông Bảo cũng đưa ra nhận xét, nguồn vốn đầu tư cho chuyển đổi số là một khoản không nhỏ nhưng cần được chi cho cả một đoạn đường dài, do đó doanh nghiệp hoàn toàn có thể đáp ứng được nếu có chiến lược tốt.
(Theo theleader.vn)
ĐÁNG CHÚ Ý
BÌNH LUẬN