Doanh nghiệp dịch chuyển để “sống”


Đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng không thể tiếp tục kéo giãn giãn cách lâu hơn nữa, nhiều doanh nghiệp (DN) đã chuyển từ phòng, chống dịch Covid-19 sang giải pháp phòng ngừa và “sống chung” với nCoV.

Chuyển dần từ “phòng dịch” sang “sống chung” với nCov

Theo TS. Huỳnh Văn Thông, để dần mở cửa trở lại nền kinh tế, phải có những “trụ cột”, gồm những điều sau đây.

Tiến sĩ Huỳnh Văn Thông

Thứ nhất là chính sách hỗ trợ của chính quyền cần tập trung vào việc giúp DN giải quyết ngắn hạn khó khăn về tài chính phát sinh do bị “đóng băng” hoạt động quá lâu, như hoãn trả nợ ngân hàng, nợ thuế.

Thứ hai, ưu tiên vaccine cho DN để đảm bảo người lao động được sớm trở lại làm việc.

Thứ ba, cần chuẩn bị tốt các điều kiện để người lao động tuân thủ đúng 5K ở nơi làm việc, bao gồm việc sắp xếp làm việc luân phiên, thiết lập “bong bóng” để hạn chế tối đa lây nhiễm chéo, tăng mức độ kiểm soát tuân thủ 5K. Đặc biệt, việc thiết lập “bong bóng y tế” ngay tại DN giúp DN xử lý y tế tại chỗ và hỗ trợ hiệu quả các trường hợp nghi nhiễm hoặc nhiễm SARS-CoV-2. 

Ông Trần Bằng Việt - Tổng giám đốc Đông A Solution

Ông Trần Bằng Việt - Tổng giám đốc Đông A Solution cho rằng, công tác chống dịch của TP.HCM đang thiếu nguồn lực, phải có ba trụ cột mới có thể giải quyết các vấn đề xã hội là Nhà nước, DN và các tổ chức xã hội. Về phía DN, cần cho tái hoạt động nhưng chỉ cần 75% số nhà máy hoạt động và chỉ tập trung vào những ngành sản xuất những mặt hàng thiết yếu và bảo đảm việc làm cho ít nhất 80% người lao động. Việc hỗ trợ DN theo nguyên tắc không cào bằng, có chính sách giãn thuế hay không đóng bảo hiểm xã hội từ 6-18 tháng, tài trợ 30-50% lãi vay ngân hàng phục vụ sản xuất, tài trợ tương đương 6 tháng - 3 năm đóng thuế nếu DN không giảm nhân sự, tài trợ 25-50% quỹ lương tương ứng phần doanh thu suy giảm.

 Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng, để DN, nhất là DN vừa và nhỏ hoạt động trong khi dịch Covid-19 chưa được khống chế thì những vùng sản xuất, kinh doanh phải “thật xanh”, kể cả vùng biên của những khu vực đó, ví dụ như Q. 7 và huyện Củ Chi mà Thành phố sẽ cho thí điểm mở cửa. Bên cạnh đó, cần phải có giấy phép xanh cho từng DN muốn được sản xuất, kinh doanh.

Đây không phải là loại giấy phép “làm mệt mỏi” thêm DN mà là giấy thông hành đặc thù, đảm bảo cho DN đủ điều kiện sản xuất trong vùng an toàn, chủ yếu khuyến khích DN sản xuất hàng thiết yếu như thực phẩm, y tế, dụng cụ học tập, những dịch vụ quan trọng. Trường hợp DN vùng xanh có giấy phép xanh, nhưng khi xét nghiệm công nhân viên phát hiện bệnh thì phải ngưng ngay sản xuất và cho nhóm khác hoàn toàn xanh vào thay thế chứ không trộn lẫn. Những DN này buộc phải có trạm y tế đặt bên trong hoặc bên cạnh nhà máy, chi phí DN tự trả.

Mặt khác, nên yêu cầu DN hoặc những hộ được sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn thí điểm đóng mức thuế cao hơn bình thường để hỗ trợ lại những DN, hộ sản xuất, kinh doanh không được hoạt động. 

Thay đổi để “sống chung” với nCoV

Hiện có nhiều tổ chức xã hội - nghề nghiệp, như Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) đang chủ động “giải bài toán” sống chung với dịch bệnh. Các thành viên của HAWA đã tìm cách xây dựng trạm y tế tại chỗ. Trong đó, DN đảm nhận vai trò tầng 1 trong mô hình tháp điều trị ba tầng. Nhà nước hỗ trợ DN về chi phí xét nghiệm, ban hành cơ chế phối hợp giữa y tế địa phương và DN.

Chẳng hạn, Công ty Tekcom đã mua máy thở oxy dự phòng, thiết lập khu chăm sóc y tế riêng kết nối với y tế địa phương để tổ chức cách ly, chăm sóc sức khỏe cho người bệnh trong khi chờ địa phương xử lý.

 Ông Nguyễn Văn Thảo - Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh

Theo ông Nguyễn Văn Thảo - Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh: “Nền kinh tế không thể dừng quá lâu vì Covid-19, nếu chúng ta không muốn nhận thêm những con số rất xấu về tình trạng DN rút khỏi thị trường. Nhưng DN sẽ hoạt động như thế nào để “sống chung” với nCoV sau ngày 15/9/2021 rõ ràng là không đơn giản. Chúng tôi cho rằng, đến nay những gì DN có thể trông mong vẫn phải dựa trên ba yếu tố chính là vaccine, mô hình “bong bóng” và tuân thủ 5K.

Về vaccine, tiêm đủ hai liều cho người lao động phải là mục tiêu hàng đầu. Phải quan tâm thêm một điều nữa là vaccine cho người nhà của họ. Chúng tôi đã lập danh sách cụ thể về tình hình tiếp cận vaccine của người nhà nhân viên để quyết định ai sẽ là người tiếp tục thực hiện “ba tại chỗ” ở nhà máy, ai là người được “nới lỏng” để về nhà.

Về mô hình “bong bóng”, chúng tôi áp dụng trong nhà máy để thiết lập những khu vực làm việc độc lập. Các luồng công việc được sắp xếp lại để tận dụng tối đa mô hình làm việc trực tuyến. Bộ phận vận chuyển cũng được tổ chức theo từng đội làm việc độc lập. Về tuân thủ 5K, sẽ vô nghĩa nếu không có thêm một chữ K quan trọng nữa là “kiểm soát”.

Chúng tôi đã tăng cường kiểm soát tuân thủ 5K ở mức cao nhất. Từ việc khai báo y tế nội bộ đến việc di chuyển, tiếp xúc đều được giám sát và kiểm soát chặt chẽ bởi các đội kiểm soát chuyên trách, không có ngoại lệ. Những “lỗ hổng” để virus nCoV xâm nhập là việc tụ tập trong bữa ăn, sinh hoạt ban đêm được khắc phục bằng giải pháp giám sát qua camera, tuần tra của đội kiểm soát, kiểm tra đột xuất của quản lý.

Vấn đề lớn là chi phí tính trên đầu người lao động để kiểm soát lây nhiễm (như test nhanh, khử khuẩn, chăm sóc y tế tại chỗ) là một khoản không hề nhỏ. Nếu DN có phương án “sống chung” với SARS-CoV-2 nhưng không có hỗ trợ từ chính quyền thì khó lòng gánh nổi chi phí này”. 

(Theo doanhnhansaigon.vn)

ĐÁNG CHÚ Ý

BÌNH LUẬN