Doanh nghiệp du lịch nước ngoài làm gì để sống qua đại dịch?


Covid-19 - rủi ro có một không hai, đòi hỏi các giải pháp chưa có tiền lệ. Dưới đây là cách 4 doanh nghiệp và tổ chức nước ngoài hoạt động trong ngành du lịch đã thực hiện để sống sót qua đại dịch.

Nửa đầu năm 2021, đại dịch Covid-19 tiếp tục khiến ngành công nghiệp không khói toàn cầu lao đao, khi lượng du khách quốc tế chưa có dấu hiệu cải thiện. Số liệu từ Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO) cho thấy, lượng khách du lịch quốc tế trong quý I/2021 giảm đến 83%, trong bối cảnh lệnh hạn chế đi lại vẫn được áp dụng tại nhiều nơi

Từ tháng 1-3/2021, các điểm đến trên toàn cầu đã đón ít hơn 180 triệu lượt khách quốc tế so với quý đầu năm ngoái. Châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục ghi nhận mức độ hoạt động du lịch thấp nhất, khi lượng khách quốc tế giảm 94%, trong khi châu Âu đứng thứ hai với 83%, tiếp theo là châu Phi giảm 81%, Trung Đông giảm 78% và châu Mỹ giảm 71%.

Lượng khách du lịch quốc tế trong quý I/2021 giảm đến 83%, trong bối cảnh lệnh hạn chế đi lại vẫn được áp dụng tại nhiều nơi

Theo dữ liệu từ UNWTO, doanh thu du lịch quốc tế năm 2020 giảm 64% tính theo giá thực tế (đồng nội tệ, giá cố định), tương đương thiệt hại hơn 900 tỷ USD, khiến GDP toàn cầu năm qua sụt hơn 4%. Tổng doanh thu xuất khẩu bị thiệt hại từ du lịch quốc tế (bao gồm cả vận tải hành khách) lên tới gần 1.100 tỷ USD. Châu Á - Thái Bình Dương và Trung Đông có doanh thu giảm cao nhất lần lượt ở mức 70% và 69% theo giá trị thực.

Báo cáo Tác động Kinh tế hàng năm (EIR) của Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) gần đây cho biết, ngành du lịch đóng góp gần 9.200 tỷ USD (khoảng 10,4%) GDP toàn cầu, tạo ra 334 triệu (10,6%) việc làm, song đã mất hơn 62 triệu việc làm vì đại dịch. Thiệt hại nặng nề nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm 80% tổng số doanh nghiệp trong ngành.

Trong bối cảnh ngành du lịch thế giới hứng chịu hàng loạt tác động kinh tế tiêu cực từ Covid-19, vô số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đã phải đóng cửa vĩnh viễn, bất chấp nguồn trợ cấp của chính phủ. Tuy nhiên, có không ít doanh nghiệp đã thành công "xoay trục", áp dụng các chiến lược mới, mô hình kinh doanh mới để tiếp tục tồn tại cùng cơn bão Covid-19. Dưới đây là 4 doanh nghiệp, tổ chức với các chiến lược thích ứng sáng tạo để sống sót qua đại dịch.

1. Milwaukee Food & City Tours

Milwaukee Food & City Tours là một công ty du lịch ẩm thực kết hợp đi bộ và xe buýt có trụ sở tại Milwaukee, bang Wisconsin (Mỹ). Ứng phó với đại dịch, công ty trước hết đã giảm số lượng tour du lịch mà mình cung cấp để thực hiện giãn cách xã hội và yêu cầu du khách bắt buộc đeo khẩu trang. Đồng thời, công ty cũng tăng cường các tour đi bộ ngoài trời đến các địa điểm thông thoáng hơn, giảm số lượng nhân viên xuống mức tối thiểu đối với mỗi chuyến tham quan, và tùy chỉnh lịch trình dựa trên nhu cầu của du khách.

Ngoài việc thực hiện các biện pháp phòng dịch an toàn, công ty cũng thay đổi mô hình kinh doanh truyền thống nhằm tiếp cận với các khách hàng bị buộc phải ở nhà. Theo đó, Milwaukee Food & City Tours đã tạo ra các mẫu hộp quà độc đáo, được giao đến nhà khách hàng, với tên gọi Shelter-in-Style (Ở nhà vẫn phải "Chất"), chứa đựng hương vị đặc trưng của vùng Milwaukee. Bên trong mỗi hộp quà, khách hàng có thể tìm thấy từ bánh nướng, kẹo dẻo, cho đến quà Halloween với các mẫu thiệp kể chuyện tương tác, trang phục hóa trang và cả các câu đố ma quái.

Hộp quà thức ăn vặt giao tận nhà với tên gọi Hương vị của Wisconsin trên website của Milwaukee Food & City Tours.

2. Walks

Tọa lạc tại Austin, bang Texas (Mỹ), Walks là công ty cung cấp dịch vụ du lịch đi bộ, với triết lý và sứ mệnh duy nhất là giúp du khách nhìn thấy thành phố, cùng các điểm du lịch một cách gần gũi, trực tiếp, từ góc nhìn tại đường phố chứ không phải trên xe buýt, taxi hoặc các phương tiện giao thông nào khác. 

Trên trang thông tin chính thức của mình, công ty này cho biết: "Triết lý của chúng tôi rất đơn giản: Chúng tôi tin rằng, cách tốt nhất để đi du lịch là đi bộ. Mỗi thành phố đều có một câu chuyện để kể, tuy nhiên bạn sẽ không thể cảm nhận được nó nếu chỉ ngồi trên xe buýt để du lịch! Cách duy nhất để thực sự hiểu một địa điểm là khám phá nó ở góc độ đường phố; gặp gỡ mọi người, đi đường tắt và lắng nghe những câu chuyện…".

Tuy nhiên, không dễ để triển khai loại hình dịch vụ như trên vào thời điểm đại dịch bùng phát dữ dội. Do đó, Walks đã giới thiệu sản phẩm du lịch trực tuyến, gọi là Tour from Home (Tour tại Nhà). Theo đó, sản phẩm này vẫn giữ nguyên bản sắc địa phương của Walks, với cùng hướng dẫn viên du lịch, đầu bếp, chủ các cửa hàng và người dân bản xứ.

Sản phẩm du lịch tìm hiểu văn hoá - lịch sử trực tuyến Tour from Home của Walks.

Trải nghiệm du lịch ảo cho phép du khách tìm hiểu về lịch sử - văn hóa của một khu vực mà họ quan tâm, và thậm chí học cách nấu các món ăn địa phương. Ngoài ra, Walks cũng có các chương trình khuyến mãi cho các chuyến tham quan mở rộng.

3. Wildlife Reserves Singapore

Khu bảo tồn Động vật hoang dã Singapore là một tổ chức tự chủ tài chính có trụ sở tại Singapore - nơi quản lý hầu hết các vườn thú tại đảo quốc sư tử. Tổ chức này hiện đang quản lý Vườn thú Singapore, Vườn chim Jurong và 2 khu Safari khác.

Trong thời gian Singapore thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống Covid-19, tổ chức này đã tung ra các khoá học trải nghiệm vườn thú ảo có tên Hello From The Wild Side (Lời chào từ Nơi hoang dã). Kéo dài khoảng 45 phút với số lượng học viên từ 20 đến 25, chuyến tham quan vườn thú ảo mang đến hình ảnh hậu trường độc quyền về các con vật mà học viên lựa chọn, cũng như cơ hội được trò chuyện trực tiếp với người quản thú.

Dẫn lời Phó giám đốc điều hành của Khu bảo tồn Động vật hoang dã Singapore Cheng Wen Haur, Channel News Asia cho biết, chương trình này đã nhận được rất nhiều phản ứng tích cực từ công chúng, đến mức nó vẫn được tiếp tục tổ chức, dù các vườn thú tại Singapore đã được phép mở cửa trở lại vào tháng Bảy năm ngoái.

Khu bảo tồn Động vật hoang dã Singapore triển khai các khoá học trải nghiệm vườn thú ảo

4. Zouk

Trước Covid-19, Zouk - một trong những tụ điểm giải trí về đêm lâu đời và hoành tráng nhất Singapore - nơi dễ dàng thu hút ít nhất 3.000 người ưa tiệc tùng mỗi đêm. Khi đại dịch bùng phát, Zouk phải chuyển đổi một số phần của khu phức hợp rộng hơn 2.800 m2 thành nhà hàng, trường quay và rạp chiếu phim.

"Chúng tôi từng kiếm được nhiều tiền trong một đêm hơn cả tháng trời ở hiện tại", Andrew Li - CEO của Zouk Group, nói với This Week In Asia của South China Morning Post. Doanh thu giảm hơn 85% đồng nghĩa với việc Li phải sa thải 25% nhân viên và có thể chưa dừng lại ở đó.

Để tiếp tục sống sót, Zouk đã hợp tác với Tổng cục Du lịch Singapore (STB) tổ chức các chuỗi nhạc hội EDM trực tuyến, bắt đầu bằng việc cho các DJ lên sóng livestream - hoạt động được công ty này gọi là "đi club trên mây" (cloud clubbing) nhờ áp dụng các công nghệ tiên tiến như bộ lọc thực tế ảo tăng cường (AI filter) và nền 3D ảo.

Theo Li, các hoạt động trực tuyến sau đó tiếp tục có thêm nhiều nội dung nữa, như phỏng vấn cùng DJ, lớp thể hình và yoga cũng như các lớp học pha chế cocktail… STB và Zouk cho biết, sẽ nâng tầm trải nghiệm các bữa tiệc âm nhạc trực tuyến trong tương lai, bằng cách "thổi làn gió mới" vào các hoạt động vui chơi giải trí về đêm, với sự góp mặt của loạt nghệ sĩ Singapore và quốc tế.

 

(Theo doanhnhansaigon.vn) 

ĐÁNG CHÚ Ý

BÌNH LUẬN