10 nhà đầu tư "thông minh nhất thế giới" mách nước cách xây dựng danh mục hoàn hảo
Điểm mấu chốt là nhà đầu tư cần tìm được tài sản có độ tương quan thấp so với tài sản khác, để khi 1 tài sản biến động không nhất thiết kéo theo tài sản khác cũng biến động mạnh.
Liệu có tồn tại thứ gọi là "danh mục hoàn hảo" cho nhà đầu tư?
Tờ MarketWatch đã đặt ra câu hỏi này cho 10 nhân vật nổi tiếng có thể nói là được kính trọng nhất trong cộng đồng đầu tư hiện nay. 6 người đã từng đạt giải Nobel Kinh tế: Harry Markowitz, cha đẻ của Lý thuyết danh mục hiện đại; William Sharrpe, người tạo ra mô hình định giá tài sản CAPM và chỉ số beta đã làm thay đổi cách chúng ta suy nghĩ về rủi ro và phần thưởng trên thị trường tài chính; Eugene Fama, người đã phát triển Lý thuyết thị trường hiệu quả; Myron Scholes và Robert Merton, 2 nhân vật đồng sáng tạo ra mô hình định giá quyền chọn Black-Scholes/Merton và Robert Shiller, nhà kinh tế học hành vi đã thay đổi quan điểm của chúng ta về thị trường hiệu quả.
4 nhân vật còn lại là các nhà quản lý, nhà đầu tư nổi tiếng và tác giả những cuốn sách đã bán được hàng triệu bản. Đó là Jack Bogle, nhà sáng lập quỹ Vanguard; huyền thoại trái phiếu Marty Leibowizt; "người đàn ông thông thái nhất phố Wall" Charles Ellis và "phù thủy Wharton" Jeremy Siegel.
Liệu có tồn tại thứ gọi là "danh mục hoàn hảo" cho nhà đầu tư?
Không có gì đáng ngạc nhiên, câu trả lời của họ không hề đồng thuận. Dựa trên nền tảng và kinh nghiệm khác nhau của mỗi người, góc nhìn của họ cũng khác nhau và điều đó cũng phản ánh sự phức tạp của công việc quản lý danh mục đầu tư. Không có hình mẫu nào vừa vặn với tất cả mọi người.
Theo Markowitz, điều đầu tiên và quan trọng nhất là cần đa dạng hóa danh mục. Chỉ tập trung vào danh mục gồm những tài sản được dự đoán sẽ đem lại mức lợi suất cao nhất trên một mức rủi ro đã xác định trước. Tôn chỉ này cũng áp dụng với các tài sản khác như trái phiếu, bất động sản và hàng hóa. Điểm mấu chốt là nhà đầu tư cần tìm được tài sản có độ tương quan thấp so với tài sản khác, để khi 1 tài sản biến động không nhất thiết kéo theo tài sản khác cũng biến động mạnh.
Nhà đầu tư Harry M. Markowitz
Trong khi đó danh mục hoàn hảo của Sharpe giống như những gì ông đã đưa ra trong mô hình CAPM: hãy đầu tư vào những thứ như quỹ chỉ số để cover toàn bộ thị trường.
Fama đã phát triển 1 mô hình lấy CAPM làm cơ sở và thêm vào 2 yếu tố. Thứ nhất là sự khác biệt về lợi suất giữa cổ phiếu giá trị và cổ phiếu tăng trưởng, thứ hai là sự khác biệt giữa nhóm vốn hóa nhỏ và các cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn. Theo Fama, 1 danh mục đầu tư đa dạng nên hướng về các cổ phiếu giá trị và các công ty có giá trị vốn hóa nhỏ. Cả 2 loại này đều có xu hướng diễn biến tốt trong dài hạn.
Trên cương vị là người tạo ra quỹ tương hỗ chỉ số đầu tiên trên thế giới, đương nhiên danh mục hoàn hảo của Bogle tập trung vào các quỹ chỉ số, ví dụ như quỹ ETF theo dõi chỉ số S&P 500 của Vanguard. Tôn chỉ của ông là hãy hạ thấp chi phí bằng cách sử dụng quỹ chỉ số và không thực hiện những hành động có thể phá hủy giá trị. Đôi lúc tất cả những gì bạn cần làm là "Không làm gì cả, đứng yên ở đó!".
Huyền thoại đầu tư John Bogle
Còn đối với Scholes, 1 danh mục hoàn hảo cần chú trọng đến việc quản lý rủi ro. Thành công sẽ phụ thuộc nhiều nhất vào việc bạn tránh được "rủi ro đuôi" (tail risk) – là những sự kiện hiếm khi xảy ra nhưng sẽ khiến thị trường sụt giảm nghiêm trọng như khủng hoảng tài chính 2008 hay đại dịch Covid-19. Để làm được điều này, cần chú ý đến các chỉ số đo lường mức độ biến động của thị trường như chỉ số VIX. Ví dụ, khi VIX ở dưới mức trung bình lịch sử, bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi tăng tỷ trọng đầu tư vào những cổ phiếu rủi ro.
Merton cho rằng trước tiên 1 danh mục hoàn hảo phải bao gồm những tài sản phi rủi ro, ví dụ như trái phiếu chính phủ được bảo vệ trước lạm phát. Đối với mục tiêu kiếm tiền cho thời kỳ hưu trí, lý tưởng nhất là bạn nên tiết kiệm dần dần và mua những loại như bảo hiểm để có dòng thu nhập đều đặn hàng năm.
Đối với Leibowitz, danh mục hoàn hảo chính là mức độ rủi ro mà bản thân bạn có thể chịu đựng. Hãy xem xét đến mọi trường hợp có thể xảy ra (bao gồm cả những sự kiện quan trọng trong đời) và cả các khoản thuế. Ngoài cổ phiếu, nên đầu tư cả trái phiếu để giảm mức độ biến động của danh mục. Cần có 1 kế hoạch dự phòng khẩn cấp để đối phó với những sự kiện bất ngờ nhưng nghiêm trọng và có thể đảo ngược tất cả.
Nhà đầu tư Yeshaia Leibowitz
Shiller đặc biệt coi trọng tính đa dạng của danh mục, không chỉ đa dạng bằng nhiều loại tài sản khác nhau mà còn đa dạng về địa lý, có cả tài sản trong nước và tài sản quốc tế.
Ellis, một trong những người đi tiên phong của trường phái đầu tư bị động, cho rằng danh mục hoàn hảo tất nhiên phải có quỹ chỉ số, đặc biệt nếu bạn muốn có cơ hội lọt top 20% quỹ có hiệu suất cao nhất trong 20 năm tới. Bạn nên đầu tư vào các quỹ chỉ số trái phiếu và quỹ chỉ số quốc tế có chi phí thấp, ví dụ như MSCI EAFE (châu Âu, Australia và viễn Đông). Ngoài ra cần chú ý đến số thuế cần phải nộp.
Siegel khuyến khích nhà đầu tư đưa ra mức kỳ vọng hợp lý dựa trên lịch sử tài chính của bản thân. Càng đầu tư dài hạn thì tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục sẽ càng lớn. Nên xem xét đến cổ phiếu ở các nước đang phát triển. Đối với trái phiếu, trái phiếu chính phủ có bảo vệ trước lạm phát là lựa chọn hợp lý.
Cuối cùng, hãy chú ý tới mức độ chấp nhận rủi ro, thu nhập hiện tại, mong ước của bản thân về tài sản trong tương lai và dự kiến những nhu cầu tài chính của bản thân ở cả hiện tại và tương lai.
(Theo ndn.vn)
ĐÁNG CHÚ Ý
BÌNH LUẬN