Năm 2021, tài sản của các tỷ phú USD Việt Nam tăng gần 3 tỷ USD


Đầu tháng 4/2021, Forbes công bố danh sách tỷ phú trên thế giới với 6 cái tên đến từ Việt Nam. Thời điểm đó, tổng tài sản của các tỷ phú Việt là 16,7 tỷ USD. Đến nay, con số đó đã là 19,6 tỷ USD.

Năm 2021, tài sản của các tỷ phú USD Việt Nam tăng gần 3 tỷ USD

Có thể nói, 2021 tiếp tục là năm "ăn nên làm ra" của giới siêu giàu. Theo Forbes, trong 2.660 tỷ phú USD trên thế giới, gần 70% có giá trị tài sản tăng lên so với đầu năm, dù nền kinh tế toàn cầu chưa thể hoàn toàn "vực dậy" do Covid-19 tiếp tục hoành hành. Đáng chú ý, top 10 người kiếm tiền nhiều nhất ghi nhận mức tăng tài sản đến 458 tỷ USD, chiếm 25% trong tổng số hơn 1.600 tỷ USD tài sản tăng thêm của toàn bộ tỷ phú thế giới.

Tại Việt Nam, tổng tài sản của 6 tỷ phú có tên trong danh sách người giàu của Forbes tính đến ngày 23/12/2021 đạt 19,6 tỷ USD, tăng gần 3 tỷ USD so với con số công bố vào đầu tháng 4 năm nay là 16,7 tỷ USD. Kết quả này đến từ việc giá cổ phiếu của các doanh nghiệp liên quan tăng mạnh trong năm.

Cụ thể, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng tăng 100 triệu USD; tổng giá trị tài sản 7,4 tỷ USD. 2021 là năm thứ 9 Chủ tịch Vingroup có tên trong danh sách người giàu của Forbes. Đầu năm nay, cổ phiếu Vingroup (VIC) tăng vọt, với mức đỉnh gần 130.000đ/cổ phiếu vào giữa tháng 4. Biên độ tăng của VIC khi đó vượt xa thị trường chung, song đến nửa cuối năm, mã này đã giảm dần và hiện đang giao dịch quanh vùng gần 100.000đ.

Năm nay, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long trở lại danh sách người giàu của Forbes ở vị trí thứ hai, với mức tăng tài sản 800 triệu USD so với đầu năm, nâng tổng giá trị mà ông sở hữu lên 3 tỷ USD. Giống VIC, cổ phiếu của Hoà Phát (HPG) thuộc nhóm dẫn dắt thị trường ở đầu và giữa năm.

Nhờ kết quả kinh doanh tốt, giá của HPG tăng từ ngưỡng 31.000đ lên hơn 55.000đ vào đầu tháng 6, tiếp tục tiến gần 60.000đ/cổ phiếu khi công bố kết quả kinh doanh quý II. Dù vậy, với nhịp giảm trong 2 tháng gần đây, HPG mất gần 25% thị giá, khiến mức tăng tài sản của ông Long trong năm thu hẹp.

Trong khi đó, nếu xét về mức tăng tài sản, ông Hồ Hùng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang đứng đầu trong 6 tỷ phú, tăng lần lượt hơn 60% và hơn 80% so với đầu năm. Với Techcombank, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt gần 17.100 tỷ đồng, còn với Masan, cổ phiếu MSN tính tới cuối phiên 23/12 đã gấp đôi so với đầu năm.

So với đầu năm, bà Nguyễn Thị Phương Thảo là người duy nhất có giá trị tài sản giảm. Tài sản của CEO Vietjet Air giảm từ 2,8 tỷ USD xuống 2,5 tỷ USD. Đại dịch năm nay tiếp tục giáng đòn mạnh lên ngành hàng không, khiến cổ phiếu VJC giảm. Mã này so với đầu năm giảm gần 1%, trong khi VN-Index tăng hơn 30%.

Tỷ phú cuối cùng của Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng là ông Trần Bá Dương và gia đình, với giá trị tài sản vào khoảng 1,6 tỷ USD. Khác với những tỷ phú còn lại, tài sản của ông Dương không thể xác định biến động mỗi ngày nhờ giá cổ phiếu trên thị trường do Công ty cổ phần Ôtô Trường Hải (Thaco) chưa niêm yết trên sàn chứng khoán. Do đó, tài sản của ông Dương thường chỉ thay đổi trong mỗi kỳ đánh giá của Forbes.

(Theo Doanhnhansaigon)

ĐÁNG CHÚ Ý

BÌNH LUẬN