Tài sản của tỷ phú thế giới lần đầu vượt mốc 10.000 tỷ USD


Kể từ khi đại dịch bắt đầu, tổng tài sản mà các tỷ phú trên toàn thế giới nắm giữ đã tăng 1/4 lên hơn 10.000 tỷ USD. Một cột mốc đáng chú ý khác là sự xuất hiện của tỷ phú 200 tỷ USD đầu tiên trên thế giới.

Tổng giá trị tài sản ròng của Jeff Bezos đã đạt mốc 200 tỷ USD vào tháng 8, ngay khi ngân hàng UBS và công ty kiểm toán PwC tổng kết số liệu báo cáo năm về các tỷ phú.

Báo cáo này, được công bố vào ngày 7/10, cho thấy tài sản của giới tỷ phú đã tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong thập kỷ qua.

Từ 8.000 tỷ USD vào đầu tháng 4 tăng 27% chỉ sau 3 tháng. Điều này có được phần lớn nhờ các gói kích cầu của chính phủ.

“Tài sản của giới tỷ phú có tương quan chặt chẽ với thị trường vốn”, trích dẫn báo cáo “Riding the Storm” của UBS và PwC. “Từ cuối tháng 3, những gói nới lỏng định lượng và tài khóa khổng lồ của các chính phủ đã thúc đẩy sự phục hồi trên thị trường tài chính”.

Tài sản của tỷ phú thế giới lần đầu vượt mốc 10.000 tỷ USD - Ảnh 1.

Jeff Bezos trở thành tỷ phú 200 tỷ USD đầu tiên trên thế giới và chắc chắn ông không phải là người cuối cùng. Ảnh: Getty Images

Gói cứu trợ Covid-19 theo Đạo luật CARES Act cũng chỉ giúp những lợi ích này tăng lên. Một lỗ hổng pháp luật vào tháng 3 đã cho phép các tỷ phú hưởng lợi từ khoản tiền hỗ trợ 1,7 tỷ USD của chính phủ Mỹ. Kể từ đó, hơn 133 công ty lớn đã nhận 5 tỷ USD từ Bộ ngân khố Mỹ.Theo nghiên cứu của Goldman Sachs vào tháng 2, hơn nửa số cổ phiếu mà các hộ gia đình Mỹ nắm giữ thuộc về công ty của 1% những người giàu nhất. Vì vậy, khi thị trường tăng, như vào tháng 3, những người giàu có nhất sẽ được hưởng lợi nhiều hơn cả.

Theo báo cáo dữ liệu tháng 6, tại Anh, các gói kích thích của chính phủ trị giá 16 tỷ bảng Anh (20,6 tỷ USD) đã chảy trực tiếp vào các công ty do tỷ phú làm chủ.

Giới tỷ phú cũng quyên góp số tiền kỷ lục

Ngoài việc thúc đẩy sự giàu có của các tỷ phú, virus corona cũng làm gia tăng số tiền quyên góp của họ. Nghiên cứu của UBS và PwC cho thấy giới tỷ phú đang cho đi nhiều hơn bao giờ hết. Hai tổ chức này cũng lưu ý rằng “đó có thể chỉ là một phần nhỏ của tổng số tiền, bởi họ thường có xu hướng kín đáo”.

Theo nghiên cứu riêng biệt được công bố ngày 6/10, hơn 3/4 gia đình giàu có có xu hướng quyên góp một cách kín đáo.

“Ưa thích sự kín đáo cũng đồng nghĩa với việc những đóng góp xã hội của họ không phải lúc nào cũng được ghi nhận”, Guy Hudson, đối tác và người đứng đầu bộ phận marketing của Stonehage Fleming, một văn phòng gia đình xuất bản báo cáo “Four Pillars of Capital”, cho biết.

Nhưng khi được hỏi “Bạn có dự định cho đi nhiều hơn trong năm nay, vì Covid-19, so với những năm trước không?” hơn nửa số người tham gia nghiên cứu của Stonehege Fleming trả lời là “Không”.

UBS và PwC cũng nhận thấy rằng hoạt động từ thiện có thể chỉ là tạm thời. Khi được hỏi về kế hoạch trong 12 tháng tiếp theo, chỉ một vài tỷ phú đặt hoạt động từ thiện lên đầu chính sách nghị sự của họ.

Thay vào đó, “lập kế hoạch kế nhiệm” là một trong những câu trả lời phổ biến nhất khi các tỷ phú cân nhắc về tương lai của họ. Làm từ thiện giữ vị trí thứ 6, với chỉ 1/4 tỷ phú nói rằng họ có dự định “cho đi nhiều hơn” trong vòng 12 tháng tới.

Thậm chí khoản quyên góp Covid-19 trị giá 7,2 tỷ USD của 209 tỷ phú cũng chỉ chiếm 0,3% tổng tài sản mà giới tỷ phú thu về trong cùng giai đoạn này.

Những số liệu thống kê trên chỉ làm gia tăng lời kêu gọi các tỷ phú sử dụng tiền với nhiều mục đích hơn, hoặc tạo áp lực lên chính phủ để cân nhắc đánh thuế tài sản.

Theo Cafebiz

ĐÁNG CHÚ Ý

BÌNH LUẬN