Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đồng hành cùng chương trình Leader Talk “Thập kỷ vàng – Trang sử mới”
Trong buổi Leader Talk “Thập kỷ vàng – Trang sử mới” do Phong Cách Doanh Nhân phối hợp cùng với Mạng lưới BSIN & WLIN Global tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn xây dựng Hòa Bình, doanh nhân Lê Viết Hải đã có những chia sẻ về thập kỷ đáng quý như vàng của kinh tế Việt Nam.
Doanh nhân Lê Viết Hải được biết đến là “vị thuyền trưởng” dẫn dắt Tập đoàn xây dựng Hòa Bình, suốt nhiều năm luôn chiếm giữ vị trí số 1 trong Top 10 Nhà thầu Uy tín nhất Việt Nam theo đánh giá của Vietnam Report và là 1 trong Top 50 doanh nghiệp xuất sắc nhất Việt Nam. Từ một văn phòng xây dựng nhỏ bé, sau 33 năm, Hòa Bình đã trở thành nhà thầu xây dựng tổng hợp lớn nhất và uy tín nhất, có phạm vi hoạt động rộng khắp cả nước. Để đạt được điều ấy là nhờ vào tầm nhìn và hoài bão của người dẫn dắt – anh Lê Viết Hải.
Bắt đầu thập kỷ mới, 2020, doanh nhân Lê Viết Hải đã trao gửi những hoài bão lớn trong cuốn sách “Thập kỷ vàng – Trang sử mới”. Đặc biệt hơn, vào ngày 25/06 vừa qua, Phong Cách Doanh Nhân tự hào trở thành đối tác chiến lược cho cuốn sách được chờ đón “Thập kỷ vàng – Trang sử mới”, và chính cuốn sách này cũng là nguồn cảm hứng để tạo nên buổi Leader Talk ngày hôm nay.
Cơ cấu dân số vàng
Mở đầu buổi tọa đàm, doanh nhân Lê Viết Hải đưa ra những con số đầy lợi thế cho cơ cấu dân số của Việt Nam. Theo nghiên cứu, các nước nhược tiểu có cơ hội bứt phá để trở thành một cường quốc chỉ có thể thực hiện vào giai đoạn cơ cấu dân số vàng, lực lượng lao động dồi dào trong khi lực lượng phụ thuộc như trẻ em, người già còn ít. Theo báo cáo thống kê, Việt Nam khi bước vào năm 2019 thì tỷ lệ lực lượng lao động là tối ưu, đến 2034, chúng ta sẽ chuyển sang giai đoạn dân số già, đến lúc ấy, điều kiện để chúng ta bứt phá sẽ rất khó khăn, đây được xem là 15 năm đáng quý, nếu chúng ta không nỗ lực trong thập kỷ này thì sẽ khó để chúng ta trở thành cường quốc trong thập kỷ sau.
Cơ hội cho doanh nhân Việt
Có một quy tắc “bất di bất dịch” trong kinh doanh đó là muốn phát triển việc kinh doanh của mình thì phải nhận biết được những ưu điểm trong sản phẩm của mình để có thể khai thác được ưu thế đó, trở nên đặc biệt và duy nhất trên thị trường toàn cầu.
Lý giải cho câu hỏi vì sao Hòa Bình lại muốn tiến ra thị trường toàn cầu? Ông Lê Viết Hải đã đưa ra những dẫn chứng về sự tăng trưởng của Hòa Bình: cứ mỗi 5 năm tốc độ tăng 5 lần, mỗi năm tăng 38%, trong khi bình quân tốc độ tăng trưởng của ngành xây dựng Việt Nam là 10%. Do đó Hòa Bình bắt buộc phải mở rộng thị trường nước ngoài để có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng đó. Trên thực tế, ngành xây dựng Việt Nam có năng lực cạnh tranh rất cao, bằng chứng rằng, những công trình quy mô lớn hiện nay, đòi hỏi kỹ thuật cao trước đây đều do những nhà thầu nước ngoài đảm nhiệm, nhưng bây giờ lại “về tay” những nhà thầu trong nước. Chúng ta chiếm được thị phần ấy nhờ biết cách tận dụng lợi thế của người đi sau về dịch vụ tổng hợp và chuỗi các giá trị cung ứng, cộng thêm chi phí vận hành lại rẻ hơn những nhà thầu nước ngoài mà chất lượng công trình vẫn đảm bảo độ an toàn.
Việt Nam đã hình thành ngành công nghiệp xây dựng lâu năm: gạch ốp lát, nhôm, kính,… đều có tiêu chuẩn chất lượng đạt quốc tế và vượt trội, do bản thân các doanh nghiệp trong nước đã trang bị những dây chuyền sản xuất hiện đại nhất, nguồn nguyên vật liệu dồi dào, chất lượng cao, có những doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đã xuất khẩu hơn 60 nước trên thế giới.
Và đến khi chúng ta có thể xuất khẩu được dịch vụ xây dựng tổng hợp, sẽ kéo theo chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp xây dựng, nếu chúng ta chiếm 1% thị phần của xây dựng quốc tế thì cũng đã xấp xỉ 50% GDP của Việt Nam, chính vì thế có thể nói rằng, ngành công nghiệp xây dựng có thể giúp Việt Nam bứt phá để trở thành cường quốc trong thập kỷ vàng, tạo dựng vị thế cho Việt Nam trong thập kỷ mới.
Đối với Hòa Bình, nếu duy trì tốc độ tăng trưởng 5 năm tăng 5 lần như hiện nay thì trong 10 năm tới, Hòa Bình sẽ mang về doanh thu tăng 20 lần trong 10 năm tới.
Thách thức của Việt Nam trong thời đại mới
Trong cuốn sách “Thập kỷ vàng – Trang sử mới”, doanh nhân Lê Viết Hải cũng đã đưa ra những nhận định về điểm mạnh, điểm yếu, khó khăn và thách thức của doanh nghiệp Việt có thể hiện thực hóa những triển vọng.
Điểm khó khăn của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là thiếu kinh nghiệm “chinh chiến” tại quốc tế, bên cạnh đó, ngôn ngữ cũng là một rào cản khi hầu hết các nước Âu Mỹ đều sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính, khả năng chịu đựng với thời tiết khắc nghiệt cũng là một khó khăn với doanh nghiệp Việt.
Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt cũng có những lợi thế mà ít quốc gia nào có được: Trình độ áp dụng công nghệ mới, kỹ thuật mới trong thi công, chúng ta có lợi thế được làm việc và học hỏi tất cả những nền xây dựng tiên tiến nhất do ảnh hưởng của thời kì đô hộ. Tuy nhiên, giai đoạn cấm vận đã ngăn sự phát triển của công nghiệp xây dựng, nhưng trong nghịch cảnh, Việt Nam chúng ta cũng đã có lợi thế khi nền kinh tế mở cửa, xây dựng ồ ạt, các nhà đầu tư đổ về thị trường Việt Nam.
Doanh nhân Lê Viết Hải nhấn mạnh, sau Covid 19 sẽ có một sự thay đổi lớn trong nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp hàng đầu đang dần tìm kiếm một quốc gia khác để thay thể cho Trung Quốc, do những bất ổn trong nhiều năm gần đây. Bên cạnh đó, Nhà nước đang không ngừng tạo ra điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp có thể phát triển trong nước cũng như tiến ra thị trường nước ngoài, chính vì thế, doanh nghiệp Việt cần phải nắm bắt cơ hội này để có thể đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường, để từ đó có cơ hội mở rộng quy mô của mình hơn.
Quản trị văn hoá doanh nghiệp khi “xuất khẩu” công nghiệp ra nước ngoài
Hòa Bình là một doanh nghiệp rất chú trọng đến văn hóa doanh nghiệp thông qua 7 giá trị cốt lõi, không chỉ trên giấy tờ mà còn hiện hữu trong những hoạt động hằng ngày trong công ty, để từng nhân viên, thành viên trong công ty nhận thức được giá trị của văn hóa đó, để yêu, để quý và trở thành một phần trong mỗi nhân viên Hòa Bình. Đến lúc ấy, dù đi bất cứ nơi đâu thì văn hóa doanh nghiệp vẫn không bị hòa tan.
Doanh nghiệp phục hồi sau “bão”
Việt Nam gặp nhiều khó khăn sau đại dịch, hơn 34.900 doanh nghiệp đóng cửa, giải thể, phá sản , 2,4 triệu người thất nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2020, đây cũng là thử thách đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam.
Là một Tập đoàn xây dựng hàng đầu, Hòa Bình cũng chịu những tác động lớn do các đối tác: nhà hàng, khu nghỉ dưỡng,… đều đang phải tạm dừng hoạt động, chính vì thế, ông Lê Viết Hải đã đưa ra những cách để “cứu cánh” cho các doanh nghiệp:
- Triển khai tái cấu trúc, chuyển hướng về sản phẩm dịch vụ.
- Tổ chức, đào tạo nguồn nhân lực, có giải pháp giữ chân nguồn nhân lực tích cực trong công ty, duy trì nguồn nhân lực để khi thị trường hồi phục không bị tan rã bộ máy.
- Sắp xếp lại hệ thống các công ty con, công ty liên kết
Sau đại dịch, công ty nào có thể vượt qua được thì đó cũng là một phép thử để phát triển bền vững.
Thông điệp Hòa Bình
“Hệ lụy của đại dịch là gì khi kinh tế toàn cầu trì trệ, sản xuất bị đình đốn, hàng loạt doanh nghiệp bị phá sản, tình trạng thất nghiệp lan tràn. Trong khi đó, tài nguyên thiên nhiên vẫn tiếp tục bị khai thác đến cạn kiệt, môi trường bị tàn phá nặng nề. Sự tranh giành lợi quyền, tài nguyên, lãnh thổ nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu cuộc sống cho gần 8 tỷ người giữa các quốc gia, các ý thức hệ, các tôn giáo, sắc dân, chủng tộc... ngày càng trở nên sâu sắc hơn, khốc liệt hơn, bạo tàn hơn.
Tình trạng đó sẽ đưa nhân loại về đâu? Có phải là chúng ta đã mất kiểm soát từng bước đi của mình và không còn có khả năng nhìn rõ được con đường mình đang đi sẽ về đâu hay không?” với tư cách là Người Sáng lập, Chủ tịch của Tập đoàn Xây dựng mang tên Hoà Bình, một Tập đoàn đã thành công khi lấy hòa bình làm phương châm kinh doanh trong suốt hành trình 33 năm phát triển theo đúng với khẩu hiệu “Hoà bình chinh phục đỉnh cao”; doanh nhân Lê Viết Hải tha thiết kêu gọi mọi người khi tái khởi động sau thời gian bị tạm dừng do đại dịch hãy dũng cảm từ bỏ con đường cũ và mạnh dạn chuyển hẳn sang một lối đi mới. Lối đi mới đó là: “RẼ HƯỚNG HÒA BÌNH”, đó cũng là tựa đề cuốn sách mà ông Lê Viết Hải ấp ủ và xuất bản vào thời gian tới.
Cảm ơn các đơn vị tài trợ đã đồng hành cùng chúng tôi trong sự kiện “Thập kỷ vàng – Trang sử mới”: Tập đoàn xây dựng Hòa Bình, Jeep, Hoàng Linh Biotech, DKRA Luxury, DK Leather, Hera Jewery, Công ty cp thương mại mạng toàn cầu.
Doanh nhân Lê Viết Hải dành tặng "món quà âm nhạc" cho các doanh nhân
Theo Phong Cách Doanh Nhân
ĐÁNG CHÚ Ý
BÌNH LUẬN