Việt Nam xuất siêu lớn vào thị trường UAE
Với đà tăng trưởng như vậy, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và UAE được kỳ vọng sẽ đạt mức 5 tỷ USD trong năm 2021.
Về cơ cấu hàng xuất khẩu, điện thoại di động và linh kiện vẫn là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 1,85 tỷ USD, tăng 48,1% so với cùng kỳ.
Thương vụ Việt Nam tại UAE (kiêm nhiệm Qatar) cho biết, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và United Arab Emirates (UAE) trong 7 tháng năm 2021 đạt gần 3,1 tỷ USD, tăng khoảng 37,8 % so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE đạt xấp xỉ 2,8 tỷ USD, tăng 40,8% và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ quốc gia này đạt trên 286 triệu USD, tăng 13,3%.
Về cơ cấu hàng xuất khẩu, điện thoại di động và linh kiện vẫn là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 1,85 tỷ USD, tăng 48,1% so với cùng kỳ. Tiếp theo là các mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (đạt 246,4 triệu USD, tăng 17,4%); máy móc, thiết bị dụng cụ và phụ tùng (đạt 148,1 triệu USD, tăng 43,1%)… Các sản phẩm có tốc độ tăng trưởng tốt nhất bao gồm: hạt điều đạt xấp xỉ 23 triệu USD, tăng 200%; hạt tiêu đạt gần 40 triệu USD, tăng 185%...
Tuy nhiên, một số mặt hàng có kim ngạch giảm sút so với cùng kỳ, đáng kể là mặt hàng túi xách, ví, vali, mũ, ô dù đạt 7 triệu USD, giảm 45,4%; chè đạt 1,4 triệu USD, giảm 34,6%; gạo đạt 16 triệu USD, giảm 15,4%; giấy và các sản phẩm từ giấy đạt 2,4 triệu USD, giảm 10%... Trong số các mặt hàng giảm sút này, các mặt hàng như gạo, chè, giấy đều có kim ngạch xuất khẩu giảm sút so với tháng 6 năm 2021.
Về cơ cấu hàng nhập khẩu, mặt hàng có kim ngạch lớn nhất là chất dẻo nguyên liệu, đạt 123,6 triệu USD, tăng 48,8% so với cùng kỳ. Một số mặt hàng nhập khẩu đạt kim ngạch cao khác như khí đốt hóa lỏng đạt xấp xỉ 57 triệu USD, kim loại thường đạt 19,2 triệu USD, thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt 13,8 triệu USD; sản phẩm khác từ dầu mỏ đạt 15,5 triệu USD…
Số liệu thống kê của UAE cho thấy, kim ngạch thương mại hai chiều với Việt Nam năm 2017 là 10,3 tỷ USD; 8,19 tỷ USD năm 2018; 8,16 tỷ USD năm 2019. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá trị trao đổi thương mại giữa Việt Nam và UAE chỉ đạt 4,3 tỷ USD.
UAE là 1 trong 10 đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trên thế giới, và là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông và châu Phi.
Đáng chú ý, hàng năm, Việt Nam thường xuất siêu sang UAE, đưa UAE tiếp tục trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông - châu Phi và là một trong những thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam trên thế giới (tỷ trọng xuất siêu năm 2017 là 9,4 tỷ USD; 7,3 tỷ USD năm 2018; 6,9 tỷ USD năm 2019).
UAE nằm trong trong số ít quốc gia hàng đầu thế giới có chất lượng cơ sở hạ tầng đồng bộ và hiện đại, đứng thứ ba thế giới về chỉ số ứng dụng công nghệ trong phát triển của Chính phủ. Báo cáo Đầu tư thế giới năm 2020 của Hội nghị Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) cũng chỉ rõ, UAE nằm trong nhóm 20 quốc gia đứng đầu thế giới về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Hiện nay, UAE được đánh giá là điểm đến lý tưởng cho các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và lao động việc làm.
Đại sứ quán UAE tại Việt Nam cho biết, UAE coi Việt Nam là thị trường hấp dẫn cho các khoản đầu tư của nước này. Nhờ hiệu quả đầu tư và tốc độ tăng trưởng cao, các khoản đầu tư của UAE tại Việt Nam tập trung vào lĩnh vực nòng cốt như hậu cần, cảng biển, hàng không, du lịch, khách sạn bên cạnh ngành truyền thống là dầu khí.
Trong khi đó, Việt Nam đóng góp 30% tổng khối lượng thương mại giữa UAE và các nước ASEAN. Nỗ lực thu hút vốn đầu tư vào cải tạo cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, khoáng sản, xây dựng mở ra cơ hội to lớn cho nhiều doanh nghiệp trên thế giới, trong đó có UAE.
Theo Bộ Công Thương, UAE là một trong các đối tác của Việt Nam trên thế giới có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu lớn nhất, và cao hơn với tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước (26,4%). UAE là 1 trong 10 đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trên thế giới, và là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông và châu Phi. Trong cán cân thương mại, Việt Nam luôn ở thế xuất siêu lớn với thị trường này.
Với kết quả tăng trưởng khả quan như trên, cùng với việc nhu cầu tiêu thụ, tiêu dùng tại UAE và trên thế giới quay trở lại sau dịch bệnh, đặc biệt là thời gian các dịp lễ vào cuối năm, cũng như các biện pháp hỗ trợ, xúc tiến thương mại của Chính phủ và các cơ quan liên quan của Việt Nam, thị trường UAE sẽ tiếp tục là thị trường đầy tiềm năng để thâm nhập và phát triển đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này, theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam cần sử dụng một đại lý hoặc nhà phân phối (ký hợp đồng); mở văn phòng đại diện hoặc chi nhánh; thành lập công ty với một đối tác là công dân UAE; nhượng quyền thương mại đối với sản phẩm thực phẩm, đồ uống, hàng thời trang; sử dụng ngôn ngữ Ả Rập khi đóng gói bao bì sản phẩm và quảng cáo...
(Theo cafef.vn)
ĐÁNG CHÚ Ý
BÌNH LUẬN