Là doanh nghiệp lớn trong ngành may mặc, công ty May 10 chịu ảnh hưởng do đơn hàng giảm.

Tết với người Việt Nam là kì nghỉ lễ quan trọng nhất trong một năm trời, là khoảng thời gian để nghỉ ngơi sau quãng thời gian làm lụng vất vả, là dịp để về quây quần với người thân trong gia đình.

“Ăn Tết” không chỉ là các món ăn trên mâm cỗ, mà có cả các món ăn tinh thần như về thắp hương trước bàn thờ gia tiên, ra nghĩa trang sửa sang phần mộ, đi thăm hỏi gia đình họ hàng, những nơi cần đến mà trong năm bận rộn không sắp xếp tới được...

Người ta buông bỏ nhiều thứ, dễ dàng bỏ qua cho nhau nhiều việc, bởi “giận đến chết ngày Tết cũng thôi” với câu cửa miệng “Tết mà” để nhà nhà đều vui vẻ chào đón năm mới.

Người ở nhà thì trông mong con cháu ở xa về quê ăn Tết, người ở phương xa thì ngóng trông từng ngày để được trở về, sà vào lòng người thân yêu của mình, để có cảm giác được yêu thương, chở che như thời còn thơ bé.

“Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết”, dù cả năm có tằn tiện ra sao thì ba ngày Tết cũng cố gắng sao cho “ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà”, cho trẻ con có bộ quần áo mới.

Gia cảnh nhà ai như thế nào thật đúng như câu ca:

“Có hay không mùa đông mới biết
Giàu hay nghèo ba mươi Tết mới hay”

Tết quan trọng là thế, nên bảo sao sắp đến Tết những người lao động ở các công ty, khu công nghiệp luôn mong ngóng tin thưởng Tết. Với họ Tết vui hay buồn phần nhiều ở khoản tiền thưởng dịp cuối năm này. Đơn giản vì với mức lương cố định hàng tháng trừ đi các khoản chi tiêu ăn uống sinh hoạt, con cái học hành, đám xá, thăm hỏi… còn lại chẳng được bao nhiêu.

Có khoản thưởng Tết mới có thể về quê được, khoản nho nhỏ biếu ông bà, nội ngoại hai bên, mua sắm ít quà Tết cho người thân họ hàng, khoản chi cho mừng tuổi các cháu… tất tần tật trông vào thưởng Tết. Chưa kể trong năm có khoản chi tiêu nào lớn mà mang công mắc nợ thì thực sự là Tết thành nỗi sợ hãi của những công nhân quanh năm, suốt tháng luôn chân, luôn tay đứng máy trong nhà xưởng.


TP Hà Nội tiếp tục tổ chức hàng trăm chuyến xe miễn phí đưa công nhân về quê ăn Tết, chia sẻ khó khăn với người lao động và doanh nghiệp.

 

Nhất là đón Tết Nguyên đán Quý Mão năm nay tình hình kinh tế hết sức khó khăn, sau hai năm bị đình đốn vì dịch bệnh COVID-19, vừa có chút phục hồi thì nền kinh tế gặp khủng hoảng do cuộc chiến Nga - Ukraine khiến sức tiêu thụ của châu Âu giảm sút. Trung Quốc vẫn còn chưa dỡ bỏ các biện pháp chống dịch theo phương pháp  “0” COVID dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng, giảm mức tiêu thụ, đặc biệt ở các nhóm hàng may mặc, gỗ, da giày, điện tử… Chưa năm nào công nhân hồi hộp, thấp thỏm đợi tiền thưởng Tết như bây giờ.

Chính phủ đã có động thái để bảo vệ người lao động. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có văn bản yêu cầu lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh phải báo cáo tình hình tiền lương và thưởng Tết của doanh nghiệp đối với người lao động trước ngày 25/12/2022. Qua đó, nắm được tình hình mức độ thưởng Tết đánh giá được mức độ, nguy cơ phát sinh mâu thuẫn. Không ít doanh nghiệp vì khoản thưởng Tết không thống nhất được với công đoàn và người lao động làm phát sinh đình công, lãn công bất hợp pháp..., gây mất trật tự an ninh xã hội, làm quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động xấu đi, sự tín nhiệm giữa hai bên không còn.

Thưởng Tết là phần tri ân của doanh nghiệp đối với sự đóng góp của người lao động, vì ở bất cứ lĩnh vực nào, yếu tố con người vẫn là vốn quý và là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp. Doanh nghiệp thưởng tết cho người lao động là thể hiện sự quan tâm, chia sẻ tới cuộc sống và cả tình cảm đối với người lao động. Đồng thời cũng là hành động để “giữ chân” vì thông thường sau Tết người lao động sẽ hay bắt đầu tìm một công việc mới nếu như nơi cũ không đáp ứng được chế độ lương bổng, phúc lợi như mong muốn.

Có lẽ, để tạo sự yên tâm thì các công ty nên thống nhất với công đoàn và quyết định đưa ra mức thưởng Tết sớm, tạo cảm giác yên tâm cho người lao động trên tinh thần chia sẻ và hợp tác, đừng để tình trạng “Tết đến sau lưng, ông vải thì mừng, con cháu thì lo”, mức thưởng Tết làm sao xứng đáng với công sức thời gian mà người lao động đã công hiến, không dám mơ cao với mức: 

“Năm 2022, mức thưởng cao nhất Tết Dương lịch thuộc về một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở lĩnh vực ngân hàng tại TP HCM với mức 471 triệu đồng. Mức thưởng Tết Nguyên đán 2022 cao nhất là 1,43 tỷ đồng thuộc về doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ thông tin ở Đà Nẵng”.

Nhưng cũng xin đừng quá ít ỏi để nhận thưởng Tết mà không biết nên cười hay nên mếu. Khó khăn chỉ là thời điểm, rồi mọi thứ sẽ khởi sắc. Mong các lãnh đạo doanh nghiệp tính toán thật kỹ lưỡng thống nhất với công đoàn, đại diện người lao động như Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam ở quận Bình Tân TP HCM đã làm, dù tình hình không ít khó khăn nhưng công ty quyết định thưởng Tết cao hơn 30% so với năm ngoái (thưởng Tết là 1.87 tháng lương) năm nay với người làm đủ thời gian là 2.2 tháng lương.

Nếu mức thưởng tết xứng đáng, thì dù cuối năm nhưng công nhân viên cũng sẽ làm “không biết mệt”. Và ngày nhận thưởng Tết thực sự sẽ là một ngày vui…

MINH TUẤN
Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp